Mùa hè oi bức, chỉ cần một cốc nước quả sấu mát lạnh, chua chua ngọt ngọt cũng đủ khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu bạn thích uống nước sấu đá nhưng ngâm sấu hay bị lên men, nổi váng, mời bạn tham khảo cách làm nước sấu đơn giản dưới đây. Đảm bảo thành phẩm thơm và giòn ngon như ngoài hàng, để cả năm cũng không hỏng.
Sấu là loại quả phổ biến ở miền Bắc, thường được chế biến thành nhiều món ăn, thức uống hấp dẫn như sấu dầm, sấu ngâm đường, sấu ngâm mắm, ô mai sấu… Trong đó, sấu ngâm đường thức uống dân dã, dễ làm nhưng rất ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Đây được coi là đặc sản Hà Nội và thứ nước giải khát tuyệt vời không thể thiếu vào mùa hè.
Có thể bạn quan tâm:
- Tác dụng của quả sấu: Những món ngon dinh dưỡng từ trái sấu
- Những ai không nên ăn sấu? Lưu ý khi ăn quả sấu để tốt
- Cách chọn sấu ngon và hướng dẫn bảo quản để ăn cả năm
Ngâm sấu thế nào để sấu giòn ngon, không bị đóng váng, nước sấu không bị chua quá? Hãy cùng xem hướng dẫn của mình nhé!
Nguyên Liệu Làm Nước Sấu Ngâm Đường
- Sấu xanh: 500g
- Gừng tươi: 70g
- Đường vàng: 400g
- Phèn chua: 1 muỗng canh
- Vôi bột (hoặc vôi ăn trầu): 1 muỗng canh
- Muối
- Nước lọc
- Dụng cụ: nồi, thau, dao, muôi, bình/lọ/hũ ngâm sấu…
Cách Pha Nước Sấu Với Đá Mát Lạnh, Thơm Ngon
Để làm món sấu ngâm đường, bạn chọn những quả sấu bánh tẻ, tức là không quá non cũng không quá già, vỏ hơi sần sùi. Những quả sấu có vỏ láng bóng thì sẽ hơi non, khi ngâm dễ bị teo lại. Nên chọn những quả đều nhau, không bị dập nát.
Sơ Chế Sấu
Đầu tiên, cho 1 muỗng canh vôi bột vào thau nước hòa tan để làm nước vôi trong. Sấu cạo sạch vỏ rồi ngâm ngay vào nước vôi trong để giúp sấu không bị thâm. Sau đó, đem sấu đi rửa nhiều lần với nước cho sạch, để ráo.
Hòa tan 2 muỗng canh muối hạt vào 1 lít nước đun sôi để nguội. Dùng dao khía xung quanh quả sấu theo hình xoắn ốc sao cho phần vỏ không bị đứt ra khỏi hạt. Công đoạn này giúp sấu nhanh ngấm đường, ngon ngọt đậm đà hơn. Gọt sấu đến đâu thì cho ngay vào thau nước muối loãng.
Cách Ngâm Sấu Với Đường
Đun sôi 1,5 lít nước, sau đó cho vào 1 muỗng canh phèn chua nấu tan. Tiếp đến, vớt sấu thả vào nồi phèn chua chần sơ trong 30 giây. Chần phèn chua giúp sấu giòn, cứng thịt và không bị nổi váng khi ngâm lâu. Bạn nhớ giữ lại thau nước muối để khi chần xong thì cho sấu vào ngâm.
Sấu chần xong thì cho lại vào thau nước muối ngâm 2 – 3 phút, sau đó vớt sấu ra, để ráo.
Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi đập dập. Đun sôi 1 lít nước, cho gừng, đường vàng và 1 muỗng canh muối vào nồi, khuấy đều để các nguyên liệu tan hết. Khi nước đường sôi lại thì tắt bếp, để thật nguội.
Xếp sấu vào bình thủy tinh đã chuẩn bị, đổ nước đường vào bình, dùng vỉ nén xuống sao cho sấu phải ngập hoàn toàn trong nước đường. Đậy nắp kín, đặt bình ngâm nơi sạch sẽ, thoáng mát.
Cách Pha Nước Sấu
Pha nước sấu rất đơn giản, bạn chỉ cần múc nước sấu cho vào cốc, thêm đá viên cùng chút nước lọc, vài quả sấu, khuấy đều là được cốc sấu đá mát lạnh rồi.
Nếu kinh doanh, bạn cần tạo điểm khác biệt cho thức uống để thu hút khách hàng. Cách làm như sau:
Đổ một ít đường vàng ra đĩa. Dùng một lát chanh chà đều lên 1/2 miệng ly thủy tinh, sau đó nhúng miệng ly vào đĩa đường. Nước chanh sẽ tạo độ bám và giữ được đường trên miệng ly. Đây là cách trang trí thức uống đơn giản nhưng đẹp mắt.
Cho các nguyên liệu gồm: 30ml nước ngâm sấu, 5ml nước cốt chanh, 10ml nước đường và 100ml nước lọc vào ly, sau đó thêm đá viên và khuấy đều.
Cuối cùng, đặt 3 quả sấu lên trên bề mặt thức uống. Vậy là đã hoàn thành cách pha nước sấu ngon đậm đà, chuẩn để kinh doanh.
Nước Sấu Ngâm Bao Lâu Thì Uống Được?
- Sấu sau khi ngâm từ 4 – 5 ngày là có thể lấy ra uống được. Tuy nhiên, nếu muốn sấu ngấm đường, hết vị chát và bớt chua, bạn nên ngâm khoảng 15 ngày rồi mới sử dụng.
- Sau khi ngâm khoảng 1 tuần, bạn nên bảo quản sấu trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng dần. Mỗi lần lấy sấu ra uống nên sử dụng muỗng múc sạch và khô, tránh để nước rơi vào trong hũ khiến sấu nhanh hỏng.
- Sấu ngâm đúng cách có thể để được cả năm mà không hỏng. Nhưng tốt nhất bạn nên sử dụng hết trong vòng 6 – 8 tháng để đảm bảo hương vị thơm ngon.
Có thể bạn quan tâm:
- Hành phi – Loại thực phẩm được người dùng yêu thích
- Bột bắp và những công dụng đặc biệt bạn không thể ngờ tới
Công Dụng Của Nước Sấu Ngâm
- Quả sấu chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, đạm, photpho, vitamin… nên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong Đông y, sấu là loại quả tính mát, giải khát, giảm ho, tiêu đờm, được dùng như một phương thuốc chữa bệnh hiệu quả.
- Nước sấu ngâm đường có vị ngọt thanh, chua nhẹ có tác dụng làm giảm các triệu chứng đau họng và trị ho hiệu quả.
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nếu bị nôn nghén thường xuyên có thể uống nước sấu hoặc dầm sấu với canh để giúp ăn ngon miệng hơn, hạn chế tình trạng nôn nghén.
- Sấu ngâm đường kết hợp với gừng tạo nên vị cay ngọt dễ chịu, giúp thanh nhiệt, giải độc, cung cấp nhiều dưỡng chất và kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
- Uống nước sấu ngâm còn giúp giải rượu nhanh chóng, đồng thời làm giảm cảm giác chóng mặt, đau đầu, nôn nao khó chịu.
Vào những trưa hè oi nồng, được uống ngụm nước sấu mát lạnh, vớt quả sấu nhâm nhi vị chua nhẹ cùng chút cay thơm của gừng thì còn gì thú vị bằng. Với cách làm nước sấu trên đây, không quá khó để làm được một hũ sấu ngâm để ăn dần cả năm. Cùng bắt tay vào thực hiện và cảm nhận thành quả nhé. Chúc bạn thành công.