Thịt lợn giả cầy là một món ăn đã khá quen thuộc với người dân Việt Nam. Đây là món ăn đặc trưng từ xưa của người Việt. Thịt lợn giả cầy vừa thơm ngon lại bổ dưỡng nên rất được nhiều người ưa thích. Có rất nhiều cách để chế biến món ăn này. Sau đây, xin giới thiệu tới mọi người ba cách nấu thịt lợn giả cầy ngon theo ba vùng miền khác nhau.
1. Chuẩn bị nguyên liệu chung
Nguyên liệu cho món thịt lợn giả cầy cần phải chuẩn bị đầy đủ thì mới tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn này. Ta cần phải chuẩn bị những thứ sau:
- Chân giò lợn: 1 cái tầm 1,5 đến 2 kg (nếu không có thể thay thế bằng thịt chân giò, nên chọn mua chân giò trước vì phần thịt sẽ mỏng mềm, có gân khi nấu sẽ ngọt hơn)
- Riềng: 1 củ to
- Sả: 2-3 nhánh
- Nghệ: 1 củ ( có thể dùng bột nghệ vàng để thay thế)
- Hành khô: 3 củ
- Các loại gia vị như: mắm tôm, đường, dầu ăn, nước mắm, ớt, mẻ, lạc.
- Các loại rau thơm: rau húng, rau răm, hành lá, rau mùi,…
2. Sơ chế nguyên liệu
Sơ chế nguyên liệu là bước rất quan trọng trong khâu làm sạch nguyên liệu giúp đảm bảo an toàn vệ sinh khi ăn uống. Vậy nên đối với các nguyên liệu:
- Chân giò lợn sau khi mua về cạo lông rồi rửa sạch. Dùng rơm khô hoặc bã mía để thui cho cháy xém hết lông giúp cho thịt có mùi thơm. Có thể lấy đèn khò, khò xung quanh cho đến khi chân giò vàng đều. Đây là công đoạn rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị món ăn nên phải thực hiện thật kỹ.
- Nếu như không có rơm hay bã mía thì dùng giấy bạc gói chân giò lại rồi đốt lên sao cho lớp bì cứng và ngả sang màu vàng nâu. Hoặc bạn cũng có thể nướng chân giò trực tiếp trên bếp gas nếu không có những nguyên liệu trên.
- Chân giò lợn sau khi thui vàng thì lấy dao cạo bỏ lớp cháy đen bên ngoài, sau đó xát muối phần bên ngoài rồi rửa lại với nước sạch. Nếu như chân giò còn có mùi hôi, ta có thể dùng nước cốt chanh, giấm hoặc rượu chà lên bề mặt giò lợn, sau khoảng 2-3 phút thì rửa lại bằng nước sạch. Nếu không, bạn cũng có thể nhúng giò lợn vào nước sôi Khoảng 2 đến 3 phút sau đó rửa lại bằng nước sạch. Tiếp đến, là chặt chân giò thành miếng vừa ăn.
- Riềng và nghệ cạo sạch vỏ ngoài rồi rửa sạch lại với nước. Sau đó cho vào giã nhuyễn hoặc cho vào cối xay nát.
- Sả và ớt rửa sạch, rồi băm nhỏ để riêng. Còn hành khô lột vỏ ngoài, rửa lại với nước rồi băm nhỏ.
- Mẻ nghiền nhuyễn, rồi cho 3 thìa canh nước lọc, bỏ bã. Lạc rang sẵn, rồi giã nhỏ ra.
- Các loại rau thơm thì nhặt bỏ lá úa và bỏ gốc, rồi rửa sạch, để ráo.
Cách nấu món thịt lợn giả cầy khá đơn giản nhưng không phải ai cũng biết làm
3. Hướng dẫn cách nấu món thịt lợn giả cầy
Như đã nói ở trên, sau đây sẽ là 3 cách nấu món thịt lợn giả cầy vô cùng hấp dẫn và đặc trưng cho 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Cách thứ nhất: thịt lợn giả cầy miền Bắc
- Chân giò lợn sau khi sơ chế và chặt thành khúc nhỏ thì đem đi ướp với hỗn hợp gồm: riềng, sả, nghệ đã xay nhỏ với 3 thìa mắm tôm, 3 thìa đường, một chút dầu ăn, 1 thìa mẻ và ớt băm nhỏ. Sau đó trộn đều lên và ướp trong khoảng 15 phút.
- Tiếp theo, đặt nồi lên bếp rồi cho thêm ít dầu ăn vào chờ đến khi nóng. Sau đó cho thịt chân giò vừa ướp vào rồi đảo đều lên để thịt săn lại.
- Khi thịt săn lại thì cho thêm nước vào sao cho ngập thịt khoảng 2 đốt ngón tay rồi đun với lửa lớn. Cho đến khi thịt sôi mạnh thì hạ nhỏ lửa xuống và nấu thêm 30 phút nữa để thịt chín mềm hơn.
- Khi thịt chín mềm rồi thì nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Sau đó, tắt bếp và múc thịt ra bát, rắc chút rau thơm đã cắt nhỏ lên bát thịt để trang trí là hoàn thành.
- Đặc biệt, khi bạn nấu thịt lợn giả cầy bằng nồi áp suất thì nên cho nước cho vừa phải. Để món thịt giả cầy thơm ngon hơn thì lúc gần chín bạn có thể cắt thêm riềng cho vào.
- Cuối cùng, thành phẩm giò lợn giả cầy sau khi nấu xong thì bày lên cùng rau thơm, nước mắm và ăn kèm cùng bún tươi hoặc cơm sẽ rất ngon.
Cách thứ hai: thịt lợn giả cầy miền Trung
Với cách nấu món thịt lợn giả cầy miền Trung này, ở bước sơ chế chân giò lợn, ta cần lọc phần thịt ra rồi thái nhỏ. Còn phần xương thì chặt thành khúc nhỏ vừa ăn. Tiếp theo đến giai đoạn ướp thịt và phần xương, cho vào hỗn hợp gồm: mẻ, mắm tôm, riềng xay, nghệ hoặc bột nghệ, sả băm nhỏ, một ít hạt nêm rồi trộn đều chúng lên và để ướp tầm 2 đến 3 tiếng cho thật ngấm gia vị. Tiếp theo:
- Đặt nồi lên bếp đồng thời cho thêm vào một ít dầu ăn. Đợi đến khi chảo nóng lên thì cho hành khô đã băm nhỏ vào phi cho thơm. Sau đó đổ phần chân giò đã ướp gia vị vào đảo cùng với nhau.
- Đảo đều đến khi thịt chân giò săn phần da lại. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng.
- Tiếp theo đổ thêm nước sao cho ngập thịt là được, đợi nước sôi lên thì vặn nhỏ lửa và đậy nắp để ninh đến khi nhừ.
- Sau khoảng 30 phút khi ninh, đậy nắp và để nhỏ lửa. Cứ 15 phút thì lại mở ra đảo đều lên, dùng đũa kiểm tra xem thịt đã nhừ và ngấm gia vị hay chưa. Khi thấy thịt đã nhừ thì cho rau thơm vào nồi, đảo thêm một lần rồi tắt bếp. Múc ra bát và thưởng thức thành quả.
Cách thứ ba: thịt lợn giả cầy miền Nam
Trong cách nấu món thịt lợn giả cầy miền Nam có hơi khác biệt với hai miền Bắc và Trung. Đó là, trong món ăn này, người miền nam thường có thêm nguyên liệu nước cốt dừa. Đây là những nguyên liệu giúp làm dậy mùi hương vị đặc trưng của món ăn, thêm vị ngọt của đường và vị béo thơm của nước nước cốt dừa. Về cách chế biến:
- Sau công đoạn sơ chế sạch sẽ và cắt thành khúc phần chân giò, ta đem đi ướp với công thức: 2 thìa hạt nêm + 2 thìa đường + 2 thìa nước mắm + 3 chỉ mắm tôm + 1 thìa cà phê mẻ + sả, riềng và dầu ăn mỗi loại một thìa. Sau đó, sau đó trộn đều chân giò với gia vị để ướp trong khoảng 60 phút cho thật ngấm.
- Sau khi đã ướp gần xong thịt, ta cho 3 thìa cà phê dầu ăn vào nồi, để lửa vừa, đến khi nóng thì cho phần sả vào cùng với hành, tỏi, gừng, ớt vào đảo đều lên cho dậy mùi thơm.
Có nhiều cách nấu món thịt lợn giả cầy phù hợp với khẩu vị của từng vùng miền
- Tiếp theo, cho phần chân giò lợn đã ướp vào xào chung, đảo đều tay cho đến khi phần thịt săn lại.
- Khi thịt đã xe lại, từ từ đổ nước cốt dừa tươi đã chuẩn bị sẵn vào để đun sôi, nên vặn to lửa cho đến khi nước sôi mạnh lên thì vặn lửa vừa lại.
- Đậy nắp nồi và đun nhỏ lửa lại cho thịt mềm và ngấm vị hơn. Đun được khoảng 20-25 phút thì mở nắp nồi và cho một chút bột nghệ vào khuấy đều lên để có mùi hương và màu sắc.
- Lúc này khi thịt đã đủ nhừ và mềm có thể nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn. Sau khi nấu xong múc thịt ra bát tô, rắc thêm một chút lạc rồi thêm một chút rau thơm rắc lên trên. Có thể ăn kèm với bún và bánh mì sẽ rất ngon.
Yêu cầu thành phẩm cho món lợn giả cầy là:
Thịt chân giò chín nhừ vừa phải, nhưng không quá mềm, nát, chân giò và phần da bì giòn dai rất ngon. Mùi hương đặc trưng thơm nức của riềng, sả, nghệ và mắm tôm. Khi ăn thịt lợn giả cầy sẽ thấy được vị béo thơm, ngon ngọt tự nhiên của giò lợn với vị chua nhẹ của mẻ, vị cay nồng của củ riềng cùng với hương thơm của sả. Ăn kèm với các loại rau thơm, bún hoặc cơm sẽ rất hấp dẫn.
Với các cách nấu món thịt lợn giả cầy như được trình bày ở trên. Hy vọng bạn có thể áp dụng và thực hiện để tạo ra một món ăn vừa thơm ngon và đầy đủ dinh dưỡng cho những những người thân yêu của mình.